Phần lõi non của cây dừa, hay còn gọi là “tim” cây dừa không xa lạ đối với người dân miền Tây. Một chàng trai ở Bến Tre đã thu về cả chục triệu/tháng nhờ bán “tim” dừa.
Củ hủ dừa vốn là phần non nhất trên đọt cây dừa, nó được coi như “trái tim” của cây dừa. Có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Từ thực tế đó, anh là Quách Minh Hậu (ngụ thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã chọn cách khởi nghiệp với việc bán “tim” của những cây dừa.
Từ củ hủ dừa, anh Hậu kiếm lãi từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Ảnh: M.A.
Nghe qua có vẻ lạ đời, nhưng công việc này đã giúp anh thu về hàng chục triệu đồng mỗi tháng sau khi trừ chi phí và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương.
"Tim" dừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ảnh: M.A.
Trao đổi với DANVIET.VN, anh Hậu cho hay: “Tôi làm ở thành phố thấy nguồn dừa sau khi phá bỏ ở Bến Tre quá nhiều nhưng không được tận dụng. Sau đó, tôi nhờ một người em ở Sài Gòn đem vô nhà hàng chế biến để khách biết đến. Sau này, người ta quen dần với củ hủ thì mình về quê thu mua, rồi đem lên chợ đầu mối giao cho vựa để tiêu thụ. Nhờ đó, củ hủ dừa của quê mình được nhiều người biết đến hơn”.
Theo anh Hậu, khởi nghiệp với nghề này cũng lắm chông gai. Bởi củ hủ dừa cũng được coi là một món ăn xa xỉ, đó là phần non nhất của cây dừa xem như là trái tim của cây dừa, nên muốn có một cái củ hủ là phải “hi sinh” cả một cây dừa. Vì thế, nguồn nguyên liệu ban đầu hầu như không đáp ứng được nhu cầu.
Nguồn củ hủ dừa của cở sở anh Hậu được lấy từ các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng,...Ảnh: M.A.
“Ban đầu, củ hủ dừa chủ yếu được thu mua từ những vườn dừa già cõi, nông dân chặt dừa để chuyển đổi sang cây ăn trái khác; hay các vườn dừa trồng dày, chủ vườn muốn tỉa bớt cây sau đó lấy củ hủ bán” - anh Hậu cho hay.
Để chủ động hơn nguồn hàng, từ năm 2006 anh Hậu đã liên kết với một số người dân ở miền Tây trồng dừa siêu sớm chuyên để bán củ hủ. Cây dừa thường được trồng từ 2-3 năm trở đi là có thể thu hoạch được. Nhờ đó, nên nguồn hàng của anh Hậu luôn ổn định.
Nhân công sơ chế củ hủ dừa. Ảnh: M.A.
Mỗi tháng cơ sở anh Hậu xuất bán khoảng 10 - 15 tấn củ hủ dừa với giá dao động 35.000 - 60.000 đồng/kg. Ảnh: M.A
“Củ hủ dừa như một loại rau sạch, chủ yếu được dùng chế biến thành gỏi củ hủ dừa để đãi tiệc. Hiện nay, tôi lấy nguồn củ hủ dừa từ thương lái ở các tỉnh Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh long, Sóc Trăng” - anh Hậu chia sẻ với DANVIET.VN.
Củ hủ dừa được hút chân không và được bảo quản lạnh. Ảnh: M.A.
Trong điều kiện bình thường, củ hủ dừa chỉ bảo quản được trong 2 ngày. Thế nhưng, sau khi được hút chân không và bảo quản lạnh với nhiệt độ từ 5-8 độ C thì có thể sử dụng từ 15 - 20 ngày.
Hiện mỗi tháng cơ sở anh Hậu xuất bán khoảng 10 - 15 tấn củ hủ dừa với giá dao động 35.000 - 60.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Sau khi trừ chi phú anh thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng.
Hiện anh Hậu đang ấp ủ dự định đa dạng hóa thêm các sản phẩm từ cây dừa như sản phẩm củ hủ dừa sấy. Ảnh: M.A.
Anh Hậu cho biết: “Cây dừa chăm sóc đơn giản và nhẹ công, lâu lâu rải phân và xịt thuốc 1 lần thì nó không có con bọ dừa, củ hủ dừa phát triển tốt thì tầm 2 năm mình có thể cắt được. Chính vì vậy, tôi đang khuyến khích một số nông dân ở địa phương trồng xen canh, nhất là trong vườn tạp, để kiểm thêm thu nhập”.
Chưa dừng lại ở đó, hiện anh Hậu đang ấp ủ dự định sẽ đa dạng hóa thêm các sản phẩm từ cây dừa như sản phẩm củ hủ dừa sấy để góp phần nâng cao giá trị hơn nữa cho cây dừa.