I. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC
1. Rễ dừa
Dừa có rễ bất định sinh ra liên tục ở phần đáy gốc thân, không có rễ cọc. Lúc mới mọc có màu trắng sau chuyển sang màu đỏ nâu. Rễ không có rễ lông hút mà chỉ có những rễ nhỏ là rễ dinh dưỡng. Những rễ này hình thành trên rễ chính và có hoạt động như rễ hô hấp, giúp cho cây trao đổi khí.
Trong điều kiện ngập nước liên tục sẽ ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của bộ rễ, làm cho cây dừa giảm sức tăng trưởng do cây dừa là cây chịu nước nhưng không chịu ngập.
Rễ già sẽ chết và rễ mới phát triển liên tục. Tuần đầu tiên sau khi nảy mầm, cây dừa con sẽ mọc ra một rễ cấp 1 có chiều dài trung bình 5cm, 10 ngày sau sẽ mọc ra rễ thứ hai, sau sáu tuần sẽ có trung bình 3 rễ cấp 1, với chiều dài rễ dài nhất khoảng 20cm.
Khi cây dừa 5 năm tuổi sẽ có khoảng 548 rễ cấp 1 và đạt số lượng 5.200 rễ cấp 1 khi cây 13 năm tuổi. Số lượng rễ cấp 1 ở cây dừa trưởng thành biến động từ 2.000 đến 16.500 rễ. Hệ thống rễ dừa phần lớn tập trung ở xung quanh gốc trong vòng bán kính 1,5-2m. Rễ có thể ăn sâu đến 4m, trong đó 50% rễ tập trung ở 50cm lớp đất mặt.
2. Thân
Thân dừa mọc thẳng, không phân nhánh, chiều cao trung bình từ 15-20m. Trong giai đoạn đầu sau khi trồng thân dừa ngắn, phát triển chậm, cho đến khi chiều ngang phát triển đầy đủ thì thân mới bắt đầu cao lên. Giai đoạn này kéo dài khoảng 4 năm tùy theo giống. Do đặc điểm này mà thân dừa cao chỉ phát triển mạnh sau 4-5 năm.
Gốc dừa là một trong những đặc điểm để phân biệt nhóm giống dừa cao và dừa lùn. Ở nhóm giống dừa lùn thường có gốc nhỏ, ngược lại ở nhóm giống dừa cao và dừa lai giữa giống lùn và giống cao thường có gốc phình to đến rất to.
Số sẹo lá trên thân trên 1m chiều cao thân là một trong những đặc điểm để đánh giá điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây, dựa trên đặc điểm này làm tiêu chuẩn để chọn giống theo phương pháp truyền thống. Do cấu tạo của thân không có tầng sinh mô thứ cấp nên những tổn thương trên thân dừa không thể phục hồi được và đường kính thân cũng không phát triển theo thời gian nên quan sát một đoạn thân ta có thể đánh giá tình hình sinh trưởng của cây trong thời gian đó. Đồng thời thân phát triển từ đỉnh sinh trưởng (củ hủ) nên khi bị đuông tấn công cây sẽ bị chết.
Tóm lại, thân dừa là đặc điểm dùng để đánh giá sự sinh trưởng của cây. Thân dừa to, không bị tổn thương, sẹo to, khít là cây dừa sinh trưởng mạnh, cho năng suất cao.
3. Lá
Một cây dừa có khoảng 30-35 tàu lá. Mỗi tàu lá dài 5-6m vào thời kỳ trưởng thành. Ở cây trưởng thành, 1 tàu lá dừa gồm 2 phần. Phần cuống lá không mang lá chét, lồi ở mặt dưới, phẳng hay hơi lõm ở mặt trên, đáy phồng to, bám chặt vào thân và khi rụng sẽ để lại một vết sẹo trên thân.
Phần mang lá chét mang trung bình 90-120 lá chét mỗi bên, không đối xứng hẳn qua sống lá mà một bên này sẽ có nhiều hơn bên kia khoảng 5-10 lá chét.
Đỉnh sinh trưởng sản xuất lá liên tục, cứ một lá xuất hiện trên tán thì có thêm một chồi lá xuất hiện và một lá già rụng đi.
Một cây dừa tốt, mỗi năm ra ít nhất 14-16 lá (24-26 ngày/lá) đối với nhóm dừa cao và 16-18 lá (20-22 ngày/lá) đối với nhóm dừa lùn. Mùa khô dừa ra lá nhanh hơn so với mùa mưa.
Một tàu lá dừa luôn luôn có đời sống 5 năm, từ khi tượng đến khi xuất hiện 2,5 năm và từ khi xuất hiện đến khi khô, rụng là 2,5 năm. Nếu điều kiện tự nhiên bất lợi lá sẽ ra chậm hơn, số lá ít đi chứ không rút ngắn đời sống của lá. Điều kiện dinh dưỡng và nước đầy đủ cây ra nhiều lá sẽ làm cho số lá trên tán cây nhiều hơn (35-40 tàu). Nếu gặp điều kiện bất lợi thời gian ra lá kéo dài, số lá trên tán cây sẽ ít. Ở vùng khô hạn, trên tán lá có một số lá khô nhưng không rụng, đó là điều kiện rất đặc trưng chứng tỏ cây bị thiếu nước.
Tóm lại, quan sát tán lá của cây dừa ta có thể đánh giá được khả năng sinh trưởng và cho năng suất của cây. Đây là một trong những chỉ tiêu dùng để tuyển chọn
4. Hoa
Thời gian từ khi tượng đến khi nở trung bình từ 30-40 tháng. Thông thường mỗi nách lá mang một phát hoa, do đó có bao nhiêu lá mới là có khả năng có bấy nhiêu phát hoa được sinh ra mỗi năm. Tuy nhiên, giai đoạn 15-16 tháng trước khi hoa nở (giai đoạn phân hóa nhánh gié) phát hoa dừa có thể bị thui do cây dừa bị thiếu dinh dưỡng, khô hạn hay ngập úng. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra hiện tượng “mùa treo” ở dừa.
Hoa dừa thuộc loại đơn tính đồng chu nghĩa là hoa đực và hoa cái riêng rẻ nhưng ở trên cùng một gié hoa. Số lượng hoa cái trung bình biến động từ 20-40 cái trên mỗi phát hoa tùy theo giống. Số hoa cái trên buồng ít có thể do thiếu chất đạm. Nhóm dừa lùn có số lượng hoa cái nhiều hơn nhóm dừa cao.
Thời gian để hoa cái đầu tiên nở đến hoa cái cuối cùng thụ phấn xong trên cùng phát hoa gọi là pha cái, kéo dài từ 5-7 ngày ở giống dừa cao và từ 10-14 ngày đối với giống dừa lùn.
Thời gian để hoa đực đầu tiên mở đến hoa đực cuối cùng mở gọi là pha đực, kéo dài khoảng 18-22 ngày. Thời gian xuất hiện của pha đực và pha cái hình thành nên kiểu thụ phấn khác nhau và là một trong những đặc tính quan trọng để phân biệt giữa các giống. Trên giống dừa cao pha đực thuờng xuất hiện trước rồi mới đến pha cái nên có sự lệch pha và sự thụ phấn chéo là phổ biến. Trên giống dừa lùn, pha cái thường trùng với pha đực nên dừa lùn thường tự thụ phấn. Đối với nhóm dừa lai, giữa pha đực và pha cái có sự trùng pha một phần nên có thể xảy ra hiện tượng tự thụ trên cùng một phát hoa. Do nhóm dừa cao có đặc tính thụ phấn chéo nên khi nhân giống bằng phương pháp hữu tính cần có kỹ thuật riêng biệt và nghiêm ngặt hơn so với giống dừa lùn.
Hoa dừa được thụ phấn chủ yếu nhờ gió và côn trùng, trong đó ong mật có vai trò quan trọng nhất. Việc nuôi ong trong vườn dừa làm tăng năng suất dừa đáng kể. Hiện tượng rụng trái non thường xuất hiện ở giai đoạn ba tuần sau khi đậu trái và có thể kéo dài đến tháng thứ sáu. Sự rụng trái non có thể gây ra bởi các nguyên nhân sau:
- Thiếu dinh dưỡng: Do thiếu đạm và kali.
- Điều kiện môi trường: do gặp điều kiện khắc nghiệt của môi trường như khô hạn, ngập úng hay đất có nhiều sét, thoát nước kém.
- Do sâu bệnh tấn công như các loại nấm Colletotrichum sp., Phytophthora sp,. Botriodiplodia sp. hay côn trùng gây hại như Amblypelta cocophaga, bọ cánh cứng Brontispa longissima.
- Nguyên nhân sinh lý do sự thành lập tầng rời.
5. Trái
Trái dừa thuộc loại quả hạch, nhân cứng. Trái gồm có ba phần là ngoại quả bì (phần vỏ bên ngoài được phủ cutin), trung quả bì (xơ dừa) và nội quả bì bao gồm gáo, nước và cơm dừa.
Vỏ dừa dày từ 1-5cm tùy theo giống, phần cuống có thể dày đến 10cm. Vỏ dừa bao gồm 30% là xơ dừa và 70% là bụi xơ dừa. Bụi xơ dừa có đặc tính hút và giữ ẩm cao từ 400-600% so với thể tích của chính nó.
Gáo dừa có hình dạng rất khác biệt tùy theo giống, độ dày của gáo từ 3-6mm. Bốn tháng tuổi sau khi thụ phấn gáo dừa bắt đầu hình thành và chuyển sang màu nâu và cứng hơn khi trái được 8 tháng tuổi.
Nước dừa xuất hiện từ tháng thứ ba sau khi thụ phấn và đạt được thể tích lớn nhất ở tám tháng tuổi. Thể tích sẽ giảm dần khi trái khô. Thành phần hóa học chủ yếu của nước dừa là đường và muối khoáng.
Cơm dừa bắt đầu hình thành 5 tháng sau khi thụ phấn, có thể thu hoạch để uống nước vào tháng thứ 7-8. Thời gian để hoa cái thụ phấn, phát triển thành trái và đến khi trái khô kéo dài 12 tháng. Thu hoạch trái ở giai đoạn 10 tháng sau khi đậu trái có thể giảm năng suất do trái chưa phát triển đầy đủ nhưng ở giai đoạn từ 11 tháng trở đi thì trái có thể dùng làm giống. Trọng lượng cơm dừa khô của một trái dừa dao động từ 100-350g/trái và chứa khoảng 65-74% dầu dừa tùy theo giống. Kích thước, hình dạng trái rất đa dạng, tùy theo giống.
II. NHU CẦU SINH THÁI
1.Khí hậu
Nhiệt độ thích hợp cho cây dừa là 27 0C và dao động từ 20-340C. Nhiệt độ thấp dưới 150C gây ra hiện tượng rối loạn sinh lý của cây. Do tác động của nhiệt độ nên khi trồng dừa ở những vùng có độ cao trên 500m thường cho năng suất không cao. Cây dừa có thể trồng trên các vùng có lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.000-4.000mm.
Lượng mưa lý tưởng từ 1.500-2.300mm và phân bố tương đối đều trong năm. Ẩm độ thích hợp là 80-90%, ẩm độ dưới 60% có thể gây ra hiện tượng rụng trái non.
Dừa là cây ưa sáng, cần tối thiểu 2.000 giờ chiếu sáng mỗi năm, 120 giờ chiếu sáng mỗi tháng thích hợp cho cây dừa (4 giờ/ngày). Gió nhẹ giúp tăng khả năng thụ phấn và đậu trái, đồng thời tăng khả năng thoát hơi nước dẫn đến tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng của cây.
2. Đất đai: Cây dừa có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ đất cát nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, thích hợp nhất là đất thịt pha cát, thoát thủy tốt. Cây dừa có thể chịu được đất với độ pH từ 5 đến 8. Tuy nhiên pH đất thích hợp nhất từ 5,5-7. Vùng bị khô hạn hay ngập úng không thích hợp cho cây dừa. Vùng mặn dừa có trái nhỏ.