Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình, gương phụ nữ khởi nghiệp đã phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình, từ đó vươn lên làm giàu. Đặc biệt, qua cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2022”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức, đã xuất hiện nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của chị em phụ nữ được đánh giá cao.
Dự án khởi nghiệp “Củ hủ dừa sấy khô” của chị Lê Thị Trúc Mai đạt giải nhất cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2022. Ảnh: Thành Lập
Khởi nghiệp với “củ hủ dừa sấy khô”
Dự án khởi nghiệp “Củ hủ dừa sấy khô” của chị Lê Thị Trúc Mai, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, vừa đạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2022”, do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Củ hủ dừa hay còn được gọi là tàu hủ dừa. Đây là phần lõi non nằm trên ngọn của cây dừa. Lõi khi tách vỏ có vị giòn, ngọt, có thể dùng để ăn sống, làm gỏi, hoặc chế biến các món xào, chiên… kể cả món mặn và món chay đều được.
Từ xa xưa, củ hủ dừa được người dân nông thôn dùng để chế biến các món ăn dân dã nhưng đậm đà hương vị bản xứ. Ngày nay, nhu cầu ẩm thực bản địa ngày càng phát triển, các món ăn làm từ củ hủ dừa cũng đa dạng, tinh tế và được ưa chuộng hơn tại các điểm du lịch, nhà hàng lớn ở Bến Tre nói riêng và các địa phương có trồng dừa trong cả nước nói chung.
Ở Bến Tre, thông thường người ta chỉ lấy củ hủ từ những cây dừa đã “lão hóa”, kém năng suất hoặc vì đốn bỏ dừa để chuyển đổi canh tác, rồi tận dụng các phần của cây dừa để đem bán, trong đó có thu hoạch phần củ hủ. “Cùng với việc xuất thân và lớn lên trên mảnh đất xứ Dừa, kinh tế chủ lực của gia đình cũng từ việc khởi nghiệp, kinh doanh từ dừa… Tất cả đó là nguồn động lực vô hạn đã thôi thúc tôi phải làm gì đó với củ hủ dừa để nâng tầm giá trị sản phẩm dừa, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng dừa và đa dạng sản phẩm quê hương”, chủ dự án khởi nghiệp “Củ hủ dừa sấy khô” Lê Thị Trúc Mai chia sẻ.
Chị Mai cho biết: “Từ khi được thưởng thức củ hủ dừa tươi và củ hủ dừa sấy khô tôi không phải chê vào đâu được. Vì khi chế biến nó vẫn giữ được hương vị ngọt, thơm và tươi của từng lát củ hủ dừa sấy. Vì thế, niềm khát khao của chúng tôi là muốn ai cũng có thể sử dụng củ hủ dừa ở những nơi không mang tới. Với các lý do trên, sau khi tìm hiểu học hỏi, tôi quyết định chọn ý tưởng này để thực hiện dự án củ hủ dừa sấy khô cho ra thị trường”.
Sau khi ý tưởng nhen nhóm, chị Mai đã thử nghiệm thành công sản phẩm khô, khi chế biến vẫn giữ được độ ngọt, hương vị như củ hủ dừa tươi. Sản phẩm củ hủ dừa sấy khô ngày càng được ưa chuộng do bảo quản được lâu (bảo quản 3 tháng kể từ ngày sản xuất), đóng gói nhỏ gọn, dễ vận chuyển, đặc biệt là có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, lạ miệng. Giá bán dao động từ 85 - 95 ngàn đồng/túi/100gram (750 - 850 ngàn đồng/kg). Một túi 100 gram có thể chế biến món cho 10 người ăn.
Chất lượng từng lát củ hủ dừa được đảm bảo do sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu, chế biến, đóng gói, vận chuyển, bảo quản trước khi đến tay người dùng. Các sản phẩm đều tuyệt đối không chất bảo quản.
Theo chị Mai, dự án khởi nghiệp này có thể phát triển sản phẩm theo hướng thiên nhiên, thân thiện môi trường, bền vững. Đồng thời, chị còn tạo thêm việc làm cho hội viên phụ nữ của địa phương. Trong thời gian tới, chị sẽ tìm hiểu và tiếp cận phương pháp sấy bằng hệ thống năng lượng mặt trời để tiết kiệm chi phí. Đầu ra sản phẩm là cung cấp sỉ cho các điểm bán trạm dừng chân và cả khách mua lẻ tại cơ sở.
Tuy nhiên, sản phẩm còn tiềm ẩn những rủi ro như nguồn củ hủ dừa chưa nhiều, thu mua của những hộ muốn thay đổi cây trồng. Hiện tại, xuất hiện nhiều sâu bệnh trên thân dừa ảnh hưởng đến quá trình trồng và chăm sóc, xuất hiện sâu đầu đen gây hại cho dừa. Chị Mai cho biết, hiện tại cơ sở đang thí nghiệm trồng giống dừa chuyên lấy củ hủ, loại dừa thân to, giống dừa ta lai xiêm có thể giảm bớt công và chi phí thu mua sản phẩm.
Củ hủ dừa sấy khô có sự cạnh tranh rất lớn ở thị trường riêng về các loại thực phẩm sấy khô nhưng với thói quen ăn uống ngày càng chú trọng về vệ sinh, an toàn, bổ dưỡng thì đây là thời điểm cũng như cơ hội tuyệt vời để dự án khởi động và khai thác tài nguyên bản địa.
Khởi nghiệp từ nuôi cá chốt thương phẩm
“Chị Nguyễn Thị Rai, ấp Giồng Ao, xã An Hiệp, huyện Ba Tri với ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình nuôi cá chốt thương phẩm”. Đây là thông tin có được ban đầu tại Hội nghị tổng kết cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp năm 2022 mà Hội LHPN tỉnh vừa tổng kết.
Cải tạo ao nuôi tôm trong vùng ngọt hóa để nuôi cá chốt thương phẩm. Ảnh: Thành Lập
Những năm 2000, gia đình chị Nguyễn Thị Rai là hộ nghèo của xã An Hiệp (Ba Tri) được chọn di dân lên vùng kinh tế mới của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Do cuộc sống khó khăn nên anh chị cùng mấy đứa con nhỏ về lại quê nhà sống với 1,8 công đất trồng lúa.
Qua cuộc trò chuyện với chị Đoàn Thị Hồng - Chủ tịch Hội LHPN xã An Hiệp, tôi nghe có vẻ như gia đình chị Rai bây giờ… vẫn còn nghèo. Trời mưa khá nặng hạt, chị Đoàn Thị Hồng bảo với tôi: “Trời mưa thế này, đường vào nhà chị Rai chắc lầy lội lắm”. “Bộ hoàn cảnh gia đình chị Rai khó khăn lắm hả”, tôi hỏi. “Không, tại chỉ ở ngoài đồng vậy thôi, chứ gia đình chỉ bây giờ khá lắm”, chị Hồng trả lời.
“Cá chốt”, hai từ này làm tôi nhớ chuyến công tác về xã Thạnh Trị (Bình Đại), được địa phương này “thết đãi” cho món cá chốt nấu canh chua lá me non, rất ngon, ai ăn cũng tấm tắc khen. Tôi hỏi anh cán bộ xã: “Mùa này có cá chốt rồi hả”. Anh bảo: “Bây giờ, anh muốn ăn thì lúc nào cũng có, bà con nuôi thương phẩm hết rồi. Giá rất ổn định và cho thu nhập khá cao”.
Đây là câu chuyện tôi biết ở xã Thạnh Trị, nhưng ý tưởng khởi nghiệp từ mô hình nuôi cá chốt của chị Nguyễn Thị Rai làm tôi quan tâm hơn cả, bởi chị là người phụ nữ đầu tiên trong xã An Hiệp thực hiện ý tưởng này. Mô hình của chị góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi các mô hình kinh tế phù hợp với vùng ngọt hóa trên địa bàn xã.
Chồng chị Rai cho biết, sau khi tìm hiểu ở nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó, có huyện Bình Đại, về mô hình nuôi cá chốt thương phẩm, tôi biết được nguồn cá chốt giống xuất phát từ tỉnh Bạc Liêu. Thua lỗ từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa, gia đình bàn với nhau phải chuyển đổi sang hình thức sản xuất nào đó cho phù hợp. Nghĩ là làm. Lần đầu, anh và chị thả nuôi 200 thiên cá chốt giống. Sau hơn 4,5 tháng thì cho thu nhập. “Nhưng “rơi” vào ngay lúc dịch Covid-19 bùng phát, gia đình bán cho bà con trong xóm và ở chợ, không có lời nhiều”, chị Rai cho biết. “Trong đợt thả giống vào tháng 12 tới, hứa hẹn sẽ là mùa bội thu. Theo kinh nghiệm, cá chốt phải thu hoạch trước mùa mưa thì giá sẽ cao hơn. Hiện tại, cá chốt có giá từ 120 - 140 ngàn đồng/kg, có thương lái thu mua tận nhà”, chồng chị Rai cho biết.
Cá chốt là một loài cá nước ngọt. Loài cá này nuôi thương phẩm sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, do rất hút hàng. Chủ tịch Hội LHPN xã An Hiệp Đoàn Thị Hồng cho biết: Hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để chị Rai thực hiện thành công mô hình này và nhân rộng cho bà con chuyển đổi cây con giống phù hợp trong vùng ngọt hóa hiện nay và cho chị em phụ nữ nghèo trên địa bàn xã. Hiện toàn xã có 118 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.
Theo Báo Đồng Khởi