Tình cờ dùng tiệc tại nhà hàng với món ăn làm từ củ hủ dừa đã mang đến ý tưởng cho chàng thanh niên và anh đã tạo ra mô hình khởi nghiệp thành công ở địa phương.
Công, vốn ít nhưng thu nhập khá
Dừa không phải là cây trồng chủ lực của Kiên Giang nhưng nhiều người dân đã sáng tạo mọi cách để tận dụng được giá trị của cây dừa. Điển hình trong số đó là anh Lê Trọng Đáng ngụ xã Tân Thạnh, huyện An Minh với ý tưởng khởi nghiệp trồng dừa chỉ để bán củ hủ.
Trên phần đất của gia đình, anh Đáng đã mạnh dạng ươm giống hơn 600 cây dừa. Sau khoảng 3, anh đã thu được thành phẩm củ hủ dừa. Năm 2020 anh Đáng đã tìm đầu ra từ các nhà hàng xuất bán số lượng lớn. Nhận thấy được hiệu quả anh tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư ươm giống lần 2 trên 700 cây, trồng trên diện tích 35.000 mét vuông.
Anh Đáng cho biết kỹ thuật trồng dừa không quá khó, cần giữ khoảng cách 2m cho mỗi cây. Cây dừa phù hợp với vùng đất phèn mặn, ít tốn công chăm sóc và ít sâu bệnh nên vốn và công bỏ ra không đáng kể.
Sản phẩm củ hủ dừa là phần lõi non nhất của ngọn dừa. Củ hủ dừa có màu trắng, ăn rất giòn và ngọt được xem là món đặc sản dùng chế biến thành nhân bánh xèo, lẩu vịt xiêm, làm gỏi... Mỗi đợt anh Đáng xuất bán cho các nhà hàng từ 400 – 500kg củ hủ dừa, trung bình mỗi năm, anh xuất khoảng trên 2.000kg củ hủ dừa. Trung bình mỗi tháng không bỏ công cũng không cần thêm vốn nhưng anh thu lãi gần 6 triệu đồng.
Anh Đáng cho biết công việc chính của anh là bí thư chi đoàn ấp, việc trồng dừa không tốn thời gian nên anh có thể làm tốt công tác của mình. “Mình chỉ bỏ vốn ít ban đầu mua giống và trồng, về sau thì để nó tự nhiên phát triển. Vụ tết này đơn hàng quá nhiều, không đủ cung cấp cho khách", anh Đáng nói.
Nhiều người đến học hỏi
Mô hình trồng dừa bán củ hủ của anh Đáng đã tạo cho đoàn viên, thanh niên địa phương sự thích thú nên nhiều bạn trẻ đã đến học tập.
Theo anh Đáng, để có một củ hủ dừa thì cần phải đốn một cây dừa sau khi được cưa gọn, chặt hết lớp vỏ, cuống lá... chỉ giữ lại phần đọt non, sau khi bóc sạch lớp vỏ thì còn lại khoảng 10 kg lõi trắng. Vì thế củ hủ dừa là món ăn 100% tự nhiên không có chất bảo quản có thể ăn sống hoặc trộn gỏi.
Thời điểm từ tháng 8 đến tháng chạp âm lịch được xem là thời điểm hút hàng củ hủ dừa vì được các nhà hàng đến đặt mua số lượng nhiều để làm các món ăn phục vụ mùa cưới và Tết.
Tham quan mô hình trồng dừa, anh Nguyễn Chí Thanh, Bí thư xã Đoàn Tân Thạnh, huyện An Minh chia sẻ: “Chúng tôi dự kiến thời gian tới sẽ tập hợp đoàn viên trong ấp thành lập hợp tác xã cho đoàn viên trồng. Trong khoảng thời gian 18 – 20 tháng sẽ thu củ hủ dừa thương phẩm, góp phần cho thanh niên địa phương tăng thu nhập kinh tế gia đình, giảm tỷ lệ nghèo của địa phương”.
NGUYÊN ANH - HỮU TÀI